UD-UTE: Hợp tác tích cực với các đối tác nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

11/03/2024

Trong bối cảnh công nghiệp bán dẫn được nhận định là ngành có nhiều tiềm năng tạo đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu.

Ngày 08/3/2024, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Châu Á và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam" (gọi tắt là Hội thảo) và Lễ Khai giảng Khóa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng (gọi tắt là Lễ Khai giảng).

Toàn cảnh sự kiện

Tham dự sự kiện, về phía Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có: ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc; bà Lê Thị Minh Anh - Phụ trách Ban Hỗ trợ doanh nghiệp; về phía Quỹ Châu Á có: ông Rodrigo Balbontin - Phó Giám đốc phụ trách mảng Công nghệ Kỹ thuật số, Chính sách và Đổi mới sáng tạo; ông Filip Graovac - Phó Trưởng đại diện tại Việt Nam

Về phía Đại học Đà Nẵng có: PGS. TS. Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc; về phía lãnh đạo nhà trường có: PGS. TS. Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng; các Phó Hiệu trưởng: PGS. TS. Nguyễn Lê Hùng, TS. Nguyễn Linh Nam;

Cùng sự hiện diện của bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; ông Lê Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty Giải pháp Acronics và các chuyên gia công nghệ vi mạch bán dẫn đến từ Hoa Kỳ; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao, đối tác của NIC; các trường đại học tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung tham gia đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đỗ Tiến Thịnh cho biết: "Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tham gia ngày một sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới và kỳ vọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Việt Nam sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu của cả trong và ngoài nước. Chủ đề thảo luận của Hội thảo sẽ tập trung vào việc tìm ra bước nhảy vọt trong đào tạo nhân lực và suy xét xem nên đầu tư chủ yếu vào mảng nào của ngành công nghiệp bán dẫn (thiết kế, sản xuất, đóng gói hay kiểm thử".

Ông Đỗ Tiến Thịnh phát biểu

Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến tiềm năng phát triển nguồn nhân lực ngành thiết kế bán dẫn; định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng; những cơ hội và thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Một số hình ảnh tại phiên Tọa đàm

PGS. TS. Nguyễn Lê Hùng phát biểu tại phiên Tọa đàm

Về phía Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, nhà trường đang tích cực triển khai nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn (mở mới chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch, xây dựng phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch bán dẫn với hệ thống thiết bị đo, kiểm thử chip bán dẫn), góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước.

Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với 07 nội dung như sau: phối hợp xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của nhà trường; hỗ trợ, phối hợp tuyển sinh, tổ chức và cấp chứng nhận một số khoá đào tạo ngắn hạn; phối hợp tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; triển khai đào tạo về đổi mới sáng tạo, về quản trị kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cung cấp một số bản quyền phần mềm đào tạo về bán dẫn cho nhà trường phục vụ giảng dạy; chia sẻ mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho các hoạt động của cả hai bên như: chuyên gia tư vấn cho hoạt động đào tạo của nhà trường, chuyên gia chia sẻ tại các hội nghị, hội thảo; truyền thông và lan tỏa đến cộng đồng các chương trình do hai bên phối hợp. Tham dự và huy động nguồn lực tham gia các hoạt động của đối tác; chia sẻ các nguồn lực của cả hai bên để triển khai kế hoạch hoạt động theo thỏa thuận hợp tác.

Ông Đỗ Tiến Thịnh và PGS. TS. Phan Cao Thọ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác

Ngay sau lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã phối hợp với Quỹ Châu Á tổ chức Lễ khai giảng Khóa đào tạo thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Phan Cao Thọ chia sẻ: "Đại học Đà Nẵng là một trong những đơn vị chủ lực tham gia vào đào tạo ngay sau khi có chính sách về phát triển công nghiệp bán dẫn trên cả nước. Về phía Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực liên quan gần vi mạch bán dẫn đã đến nhà trường ký kết hợp tác và tài trợ các hệ thống thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Sau sự kiện ký kết hợp tác giữa nhà trường với NIC và Lễ khai giảng Khóa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn hôm nay, nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác liên quan đến vi mạch bán dẫn nhằm phát triển Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng thành một đơn vị uy tín trong việc gắn kết giữa "nhà trường - nhà sản xuất - Nhà nước" trong ngành công nghiệp bán dẫn."

PGS. TS. Phan Cao Thọ phát biểu

Khóa đào tạo kéo dài 03 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6/2024 với 25 - 30 học viên là giảng viên và sinh viên năm cuối các ngành liên quan đến bán dẫn thuộc các trường đại học đào tạo về khoa học kỹ thuật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Khóa đào tạo được xây dựng với sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Công ty TNHH Giải pháp Acronics - công ty tư nhân duy nhất ở miền Trung hoạt động ở lĩnh vực thiết kế vi mạch trên công nghệ FPGA và tích hợp phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, từ khâu thiết kế vi mạch, lập trình điều khiển, thiết kế và sản xuất bo mạch đến khâu đóng gói, hoàn toàn "Made in Việt Nam". Công ty sẽ cung cấp cho khóa đào tạo chương trình đào tạo, chuyên gia/giảng viên và trang thiết bị thực hành. Đặc biệt, các học viên tham gia khóa đào tạo sẽ được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch này.

Thông qua sự kiện lần này, Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên, đặc biệt là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cũng như thực hiện sứ mệnh là nơi cung cấp nguồn nhân lực có tư duy đổi mới, năng lực sáng nghiệp và giàu tính nhân văn.

Các đại biểu và sinh viên chụp ảnh lưu niệm

Bài viết khác

Xem thêm