Tạo CV trực tuyến

Chúng tôi khuyến khích bạn nên tạo CV online. Bạn có thể tạo CV dễ dàng và ấn tượng từ các mẫu CV của chúng tôi.

Viết CV xin việc Kỹ thuật: Bí quyết, lỗi sai mất điểm và mẫu

Bí quyết viết CV xin việc Kỹ thuật đặc trưng, thể hiện rõ sự phù hợp với ngành nghề; lỗi sai gây mất điểm; các động từ nên dùng và mẫu CV IT, Cơ khí, Kỹ thuật điện,...

CV xin việc Kỹ thuật cần thể hiện rõ những điểm nổi bật, phù hợp với ngành nghề. Vậy nhà tuyển dụng chú ý đến điều gì trên CV xin việc của ứng viên ngành Kỹ thuật, viết CV ra sao để làm rõ những điểm đặc trưng của ngành nghề. Hãy cùng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Viết CV xin việc ngành kỹ thuật, cơ khí gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

I. Nhà tuyển dụng chú ý điều gì trên CV xin việc Kỹ thuật

Khi sàng lọc CV xin việc Kỹ thuật, nhà tuyển dụng thường chú ý vào những điểm sau:

- Kiến thức chuyên môn và kỹ năng kỹ thuật.

- Kinh nghiệm làm việc, các dự án đã thực hiện.

- Bằng cấp và các chứng chỉ ngành nghề.

- Tính trách nhiệm, cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự hiểu biết và cập nhật với các xu hướng kỹ thuật, công nghệ mới.

Vì thế, trong quá trình viết CV, hãy làm rõ và nổi bật những giá trị mà mình có thể hiện sự phù hợp với ngành nghề, công việc.

II. Cách viết CV xin việc Kỹ thuật

1. Chọn mẫu CV xin việc phù hợp

Phong cách CV xin việc là một điểm cộng thể hiện sự phù hợp của bạn với công việc ứng tuyển.

- Phong cách đơn giản: lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông tin,...

- Phong cách chuyên nghiệp: lĩnh vực tài chính, kinh doanh,...

- Phong cách thanh lịch: lĩnh vực giáo dục, hành chính văn phòng,...

- Phong cách ấn tượng: lĩnh vực nghệ thuật, truyền thông, tiếp thị, thiết kế,...

2. Viết nội dung trên CV xin việc

- Thông tin cá nhân :

Bao gồm đầy đủ các thông tin: Họ và tên, năm sinh, Email, số điện thoại, địa chỉ, khác (link tổng hợp các dự án, sản phẩm đã thực hiện).

Trong đó, bạn chỉ nên đề cập năm sinh, không đề cập rõ ngày và tháng sinh; và chỉ nên đề cập đến cấp quận/huyện, thành phố/tỉnh, không đề cập rõ số nhà,... Mục đích là để bảo mật thông tin cá nhân của bản thân. Hãy sử dụng địa chỉ Email công việc chuyên nghiệp, kiểm tra các thông tin đã chính xác, các đường link đã hoạt động.

- Mục tiêu nghề nghiệp :

Lỗi sai phổ biến mà nhiều ứng viên thường mắc phải khi viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV là viết chung chung. Nhà tuyển dụng sẽ không thấy được khả năng phát triển trong tương lai của bạn những nỗ lực, giá trị mà bạn đem lại.

Thay vào đó, bạn nên viết mục tiêu cụ thể, nêu rõ các cam kết của bạn trong công việc, như: trong một khoảng thời gian cụ thể sẽ phát triển những kỹ năng gì, đem lại những giá trị nào cho công ty trong thời gian tới. Hãy đưa ra mục tiêu một cách khả thi, thực tế, phù hợp.

- Học vấn :

Học vấn thể hiện kiến thức chuyên môn ngành nghề mà bạn có. Đây là mục quan trọng trên CV khi ứng tuyển vào các vị trí công việc ngành kỹ thuật.

Vì thế, ngoài việc nêu rõ trường, chuyên ngành học, điểm GPA tích lũy. Khai thác sâu vào những kiến thức chuyên môn mà mình đã được học, bằng cách liệt kê cụ thể chúng lên CV, đưa vào điểm tổng kết môn nếu có.

- Kinh nghiệm làm việc :

+ Với ứng viên có kinh nghiệm :

Nhiều ứng viên đưa vào những kinh nghiệm trái ngành không khớp, không phù hợp với công việc khiến kết nối giữa bạn và công việc trở nên lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ.

Để CV khớp nối với công việc, bạn cần phân tích kỹ JD công việc; đánh giá lại kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân ở các công việc. Tiếp đến đối chiếu 2 thông tin này, các điểm dữ liệu tương đồng thể hiện sự phù hợp của bạn với vị trí công việc. Đây cũng chính là những công việc mà bạn nên đưa lên CV xin việc Kỹ thuật.

Với mỗi công việc, bạn cần làm rõ những nhiệm vụ công việc đã làm và hiệu quả, hiệu suất công việc được thể hiện qua con số về khối lượng công việc hoàn thành; kết quả triển khai, vận hành thực tế của sản phẩm, dự án.

+ Với ứng viên chưa có kinh nghiệm :

Hãy thay mục "Kinh nghiệm làm việc" thành mục "Dự án". Tại mục này, hãy đưa ra các dự án cá nhân; dự án nhóm tại trường, câu lạc bộ. Đây là các sản phẩm thể hiện kinh nghiệm, kỹ năng vận dụng kiến thức trong phạm vi trường học, câu lạc bộ, phù hợp cho sinh viên mới ra trường, sinh viên chưa có/ít kinh nghiệm làm việc.

Cách viết mục "Dự án" tương tự như cách viết mục "Kinh nghiệm làm việc" bên trên. Tuy nhiên, bạn nên đưa vào khoảng 2 dòng giới thiệu tổng quan về dự án vì thông tin về dự án thường khó tìm.

+ Lưu ý khi viết kinh nghiệm trên CV tiếng Anh :

Rất nhiều ứng viên mắc lỗi sử dụng sai hoặc lẫn lộn các thì khi viết kinh nghiệm trên CV bằng tiếng Anh. Đây là cách làm đúng dành cho bạn:

  • Kinh nghiệm cũ: sử dụng thì quá khứ đơn.

  • Kinh nghiệm hiện tại: sử dụng thì hiện tại đơn.

- Kỹ năng :

Mỗi công việc sẽ có một bộ kỹ năng chuyên môn (kỹ năng cứng) và những kỹ năng hỗ trợ thực hiện tốt công việc (kỹ năng mềm). Trong đó, kỹ năng chuyên môn là kỹ năng đặc trưng cần có của một công việc mà bạn cần làm rõ và đặt vị trí cao hơn trên CV.

Nên chia mục kỹ năng thành hai phần nhỏ: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Tại mỗi kỹ năng, bạn cần làm rõ mức độ thành thạo, khả năng vận dụng kỹ năng bằng cách: sử dụng các tính từ mô tả mức độ; đưa ra các hành động, ví dụ, tình huống vận dụng kỹ năng; link sản phẩm, chứng chỉ nếu có.

- Chứng chỉ :

Mục này bao gồm các chứng chỉ chuyên môn, hành nghề, ngoại ngữ,... Tại mục chứng chỉ bạn nêu ngắn gọn các thông tin sau: tên chứng chỉ, năm đạt, số điểm/cấp bậc thành thạo của chứng chỉ. Đừng quên đưa vào link hình ảnh chứng chỉ để xác thực cho nội dung ghi trên CV.

- Các mục khác :

Ngoài ra, bạn có thể đưa lên CV các mục khác như "Hoạt động", "Sở thích", "Ưu điểm", "Gửi nhà tuyển dụng", "Người tham chiếu". Trong đó:

  • Hoạt động: cách ghi tương tự như mục "Kinh nghiệm làm việc".

  • Sở thích: liệt kê chọn lọc các sở thích thể hiện sự phù hợp với vị trí công việc.

  • Ưu điểm: những ưu điểm hỗ trợ thực hiện tốt công việc.

  • Gửi nhà tuyển dụng: thể hiện niềm yêu thích với vị trí công việc qua hiểu biết về công việc, công ty ứng tuyển; và thể hiện sự phù hợp với môi trường làm việc. Mục này rất hữu ích với các bạn ứng tuyển vị trí thực tập, sinh viên chưa có/ít kinh nghiệm làm việc để thể hiện nhiều hơn khía cạnh thái độ. Đây là một trong những yêu cầu của nhà tuyển dụng với vị trí thực tập sinh, nhưng khó thể hiện trên một bản CV thông thường.

III. Lỗi gây mất điểm khi viết CV xin việc Kỹ thuật

- Trình bày không khoa học, thiếu logic: Ngành Kỹ thuật đòi hỏi khả năng trình bày thông tin một cách rõ ràng, khoa học và logic. Hãy phân nhóm thông tin rõ ràng; sử dụng dẫn chứng thuyết phục; sử dụng 1 font chữ đồng nhất; cỡ chữ vừa phải; nên sử dụng các công cụ tạo CV đã được xây dựng bố cục, trình bày sẵn, chuẩn.

- Sai lỗi chính tả: Điều này phản ánh tính cẩn thẩn, tỉ mỉ trong quá trình làm việc của ứng viên. Hãy rà soát lại CV để đảm bảo chính tả đã chính xác.

- Nội dung dài dòng, lan man, không phù hợp: Thay vào đó nên chắt lọc nội dung thể hiện sự phù hợp của bản thân với công việc; diễn đạt ngắn gọn, súc tích, trọng tâm. CV nên dài từ 1- 2 trang. Tuy nhiên, điều này linh hoạt tùy thuộc vào kinh nghiệm của bạn.

Một số lỗi sai cần chú ý khi viết CV xin việc ngành kỹ thuật, cơ khí

IV. Các động từ nên dùng trên CV ngành Kỹ thuật

Khi viết kinh nghiệm, kỹ năng trong CV, bạn nên sử dụng các động từ mạnh để nhấn mạnh, làm nổi bật chúng. Dưới đây là một số động từ bạn có thể sử dụng trên CV ngành Kỹ thuật:

  • Phân tích/Analyze.

  • Đánh giá/Access.

  • Tính toán/Caculate.

  • Ghi chép/Document.

  • Cải thiện/Improve.

  • Tối ưu/Optimize.

  • Nghiên cứu/Research.

Một số đồng từ yếu mà bạn không nên dùng trên CV như: take responsibitly, do, make.

Mong rằng, với hướng dẫn, mẫu cv cho dân Kỹ thuật, lưu ý về các lỗi viết CV gây mất điểm và những động từ nên dùng ở trên đã giúp bạn biết cách viết một bản CV xin việc Kỹ thuật thể hiện rõ các điểm đặc trưng phù hợp với ngành nghề, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Chúc bạn sớm tìm được việc làm phù hợp.